Private
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

No hơi ấm cật, dậm giật chân tay

Go down

No hơi ấm cật, dậm giật chân tay Empty No hơi ấm cật, dậm giật chân tay

Bài gửi by Ấm cật Sat Jan 28, 2012 1:55 pm

Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền:
Cần một "ngôi chùa" ở ngay trong tâm mình
Cập nhật lúc 10:50, Thứ tư, 02/03/2011 (GMT+7)

Múa khèn trong hội xuống đồng ở xã Tả Van (Sa Pa, Lào Cai).

Tâm hồn thơ trẻ, tinh thần bình thản, ước vọng tinh khôi... Lễ hội truyền thống là nơi để con người tìm đến và gửi gắm tình yêu, khát vọng của mình với trời đất, nơi giao hòa vũ trụ với nhân sinh. Cái tâm hồn ấy, tinh thần và ước vọng ấy, giờ đã mai một nhiều. Lễ hội bây giờ, một số nơi như để cúng bái, một số khác lại xô bồ, hỗn tạp.
Nhân mùa lễ hội đang diễn ra, PV Báo Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

- Thưa ông, trong đời sống cộng đồng, lễ hội đóng góp một phần quan trọng mà có lẽ ở giai đoạn lịch sử nào cũng không thể thiếu?

- Hầu hết cộng đồng làng xã nào cũng có lễ hội. Có thể thống kê được, hiện có khoảng tám nghìn lễ hội trên toàn quốc. Theo sự phát triển của xã hội, nhiều lễ hội cũng mất theo. Nhưng cũng có rất nhiều lễ hội tại các làng, xã vẫn thường xuyên diễn ra, có khi đứt đoạn nhưng chưa bao giờ bị mất hẳn. Lễ hội truyền thống, hiểu cho đúng nghĩa của nó trong đời sống cộng đồng, đó là môi trường sống với đầy đủ vinh quang và đau đớn của con người, là nơi thể hiện đầy đủ quy ước của xã hội. Lễ hội phải tràn đầy vẻ đẹp, là nơi con người chìm đắm trong một vẻ bình thản. Ðến với lễ hội là người ta đi tìm sự tồn tại của mình trong cộng đồng. Trong mối quan hệ và ứng xử với thần linh, con người biết thân phận mình ở đây, ở cương vị này, để yên ổn, còn nếu không yên ổn thì bất hạnh. Ngày hội là ngày mà con người xác nhận được mình. Con người biết đặt mình trong không gian bao la của tâm linh và mối quan hệ với cộng đồng. Như thế, con người mới qua đó mà yêu hơn quê hương nguồn cội của mình. Lễ hội cổ truyền, vì thế, mà tham gia vào việc bảo vệ tinh thần yêu quê hương, yêu đồng loại, bảo vệ làng xóm và đất nước. Nếu nói cộng đồng làng xã là một cơ thể, thì lễ hội phần nào như là tâm hồn, tinh thần của cơ thể đó, thời đại nào cũng không thể thiếu.

- Nhiều năm nghiên cứu về di sản văn hóa và lễ hội, vậy theo ông, lễ hội bây giờ có khác căn bản với lễ hội truyền thống?

- Theo tôi, cái khác nhau căn bản của lễ hội truyền thống và bây giờ chính là sự ứng xử với thần linh. Thực ra, thần linh là sản phẩm tư duy liên tưởng của con người. Thần linh được đẩy cao lên để trở thành đấng thiêng liêng, nhưng nhất định phải từ con người mà ra, để quay lại đáp ứng những nhu cầu tâm linh của con người. Người xưa tạo ra đấng thần linh như một thế lực giữ cân bằng của tâm hồn con người, giữ đạo và đức chứ không phải thần linh từ trên trời rơi xuống. Nếu hiểu như thế, thì người ta sẽ ứng xử với thần linh theo kiểu khác. Người ta sẽ không có hành vi theo kiểu cầm một nắm tiền lẻ chắp tay vái lấy vái để, hoặc cầm cả bó hương ngùn ngụt, dâng lễ thật nhiều để mong thần linh 'chiếu cố' ban phát bổng lộc danh vọng. Việc đặt những đồng tiền lẻ lên bệ thờ, dâng những mâm lễ tú ụ đủ thứ nơi trần tục, chen lấn xô đẩy cướp giật chốn đền đài... là không thể chấp nhận được...

- Nói như vậy, có nghĩa một phần lễ hội bây giờ đã đi rất xa cái bản chất tốt đẹp ban đầu của nó?

- Nếu nói về bản chất lễ hội, đã có những nhận thức sai lệch. Bắt đầu là từ việc hiểu sai ngôn từ về lễ hội, và điều này, xuất phát từ các nhà nghiên cứu. Không định rõ được bản chất lễ hội, và phân tách lễ hội thành hai phần, phần lễ và phần hội và gọi lễ là lễ nghi, cúng bái và hội là phần chơi, trò diễn... Ðiều đó là sai lầm cơ bản. Lễ hội thực ra chỉ nên được hiểu là một cặp phạm trù thống nhất, người xưa thường chỉ gọi là hội: hội chùa Hương, hội chùa Thầy... Lễ trong hội cũng không phải là cúng bái. Lễ ở đây gần giống với nghĩa trong 'Tiên học lễ, hậu học văn'. Bộ Lễ ngày xưa rất lớn: bao gồm cả ngoại giao, văn hóa, giáo dục. Tuyệt nhiên không phải là cúng bái. Từ nhận thức không đúng này mà bây giờ nhiều người đi đến các lễ hội lấy việc cúng bái cầu xin làm trọng. Cúng bái cũng theo lối chụp giật, vội vàng khấn vái lấy được...

- Người ta vẫn thường nói, lễ hội là tấm gương soi văn hóa. Phải chăng, điều đó cũng lý giải những xô bồ hỗn tạp nơi lễ hội bây giờ?

- Nếu nhìn vào một số lễ hội bây giờ thì có thể thấy một phần xã hội nhộn nhạo, không có chuẩn mực. Cũng không hẳn là tấm gương soi. Tôi cho rằng đó chỉ là một số biểu hiện về văn hóa. Bây giờ chúng ta chưa đạt được chuẩn 'phú quý sinh lễ nghĩa' mà chỉ mới dừng ở 'no hơi ấm cật, dậm giật chân tay', nên sự ứng xử với thần linh, với lễ hội còn thiếu văn hóa. Trong khi đó, lễ hội là nét đẹp của đời sống, là sự thăng hoa về mặt tinh thần. Lễ hội là một biểu hiện để con người đến gần với trời đất, kéo vũ trụ vào cuộc sống nhân sinh, là sự hòa của con người với thiên nhiên, vũ trụ. Chữ hòa ở đây là một biểu hiện rất hay, nó không phải là đồng nhất. Lễ hội là nơi để con người soi mình trong đó, qua ứng xử với thần linh, với cộng đồng, mà thực ra là thể hiện một điều quan trọng: con người ứng xử với chính mình. Bây giờ, nhiều lễ hội đã đi ra ngoài cái bản chất truyền thống, bị xâm lấn bằng những yếu tố 'tạp nham'.

- Theo ông, hiện còn không những lễ hội giữ được vẻ đẹp nguyên sơ?

- Những lễ hội nhỏ trong những cộng đồng vẫn còn giữ được tính nguyên sơ. Có nhiều lễ hội chưa bị tư duy thực dụng người thành phố áp đặt lên tâm hồn thơ ngây của làng quê. Văn minh thành thị tràn vào xã thôn một cách không được kiểm soát, làm tàn phai những nhận thức đặc biệt, những cái hèm của xã thôn ấy, khiến cho lễ hội chỉ nhằm đặt mục đích thỏa mãn yêu cầu của những người đi lễ mà dần quên mất những tục hèm riêng biệt. Chính tục hèm riêng biệt đấy làm nên vẻ đẹp lễ hội và bản sắc văn hóa dân tộc.

- Còn những lễ hội mà theo ông là đã bị xô bồ biến tướng, trái với nhận thức ban đầu?

- Bây giờ, hầu như lễ hội nào cũng ít nhiều do bị nhận thức lễ và hội phân định, nên quá chú trọng vào phần lễ bái. Nhiều lễ hội bị méo mó như: Lễ hội đền Trần, Lễ hội chùa Hương. Ðó chỉ là những sinh hoạt tín ngưỡng - thương mại núp bóng lễ hội cổ truyền. Bây giờ mọi người đi chùa Hương, chủ yếu là đi cúng bái, chứ không còn nhàn nhã thưởng ngoạn cảnh đẹp, như trong bài thơ của Chu Mạnh Trinh nữa. Rồi việc đi lễ bái ở Ðền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) là không thể chấp nhận được, bởi sự không hiểu biết hoặc hiểu không đến nơi đến chốn của những người đi lễ, của người làm văn hóa, chính quyền địa phương đã biến nơi đây thành một chốn 'trần tục hơn cả cõi trần'.

- Vâng, sự biến tướng đó, để lâu cũng đã thành nếp. Theo ông, việc làm thế nào để trả lại cho lễ hội vẻ đẹp nguyên sơ ban đầu của nó, liệu có quá khó không?

- Không khó, chỉ là có quyết tâm làm hay không thôi. Ðiều cần nhất là bắt đầu từ nhận thức của người đi lễ. Sự cầu lợi chính là nền tảng của mê tín dị đoan. Con người đi lễ hội đầu xuân là tìm sự cân bằng cho tâm hồn, cái gì thái quá cũng dẫn đến sai lệch. Nhận thức rằng, việc đi lễ nhiều, hết chùa này đền khác, đi đền chùa nhiều kiểu chạy sô, càng đi nhiều và càng lễ vật mâm cao cỗ đầy càng đắc lợi là không đúng. Thực ra, con người chỉ cần sự thành tâm, cần lòng hướng thiện. Mỗi người cần trước hết tin vào 'ngôi chùa' ở ngay trong tâm hồn mình, đi lễ hội là để xác nhận mình trong không gian tâm linh trời đất, trong cộng đồng.

Nhật Vũ (thực hiện)
Link tin bài:
http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhan-dan-cu-i-tu-n/nhan-dan-cu-i-tu-n/v-n-hoa/trao-i-ki-n/c-n-m-t-ngoi-chua-ngay-trong-tam-minh-1.287034

Ấm cật

Tổng số bài gửi : 1
Join date : 28/01/2012

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết